Diễn Đàn Chia Sẻ Nội Bộ Melody Team

oOo
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
News & Announcements
  • Gallery & Others
 Administrator (960)
 ™___ߣµε___™ (133)
 Pe (122)
 lamcanhtan2009 (107)
 Y3p_luv (81)
 Nguyễn Tấn Tài (55)
 YepLuv (50)
 I AM Kab4l (42)
 DuongQuaPro (41)
 Nine tail fox (39)

Share
 

 Benjamin Crowell: Quang học

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Administrator
Administrator
Administrator
Administrator

Pet Shop Vào Cửa Hàng Pet
Posts : 960
Points : 43040
Thanked : 22
Ngày tham gia : 28/07/2011

Benjamin Crowell: Quang học Empty
Bài gửiTiêu đề: Benjamin Crowell: Quang học   Benjamin Crowell: Quang học Icon_minitimeAugust 20th 2011, 11:57

Benjamin Crowell: Quang học Bk01

CHƯƠNG 1
MÔ HÌNH TIA SÁNG

Mẫu quảng cáo cho một dòng máy tính Macintosh khoe khoang rằng nó có thể làm một phép tính số học trong thời gian ngắn hơn thời gian cần thiết để ánh sáng đi từ màn hình đến mắt của bạn. Chúng ta thấy quảng cáo này ấn tượng vì sự tương phản giữa tốc độ của ánh sáng và tốc độ chúng ta tương tác với những đối tượng vật chất trong môi trường xung quanh. Có lẽ chẳng có gì bất ngờ đối với chúng ta khi mà Newton đã thành công mĩ mãn trong việc giải thích sự chuyển động của các vật, nhưng ông không thành công cho lắm với sự nghiên cứu ánh sáng.

Tập sách này thuộc loạt sách có tên gọi chung là Vật chất và Ánh sáng, nhưng phải đến lúc này, ở tập thứ năm trong sáu tập, chúng ta mới sẵn sàng tập trung tìm hiểu về ánh sáng. Nếu bạn đọc các tập sách theo thứ tự, thì ắt hẳn bạn đã biết rằng đỉnh điểm của sự nghiên cứu của chúng ta về điện học và từ học là sự khám phá ra rằng ánh sáng là sóng điện từ. Tuy nhiên, biết được như vậy thì không giống như việc biết mọi thứ về mắt và kính thiên văn. Thật ra, sự mô tả trọn vẹn của ánh sáng dưới dạng sóng có thể khá cồng kềnh. Thay vì thế, trong tập sách này, chúng ta sẽ khai thác một mô hình đơn giản hơn của ánh sáng, mô hình sử dụng tiện lợi trong đa số những trường hợp thực tế. Không những thế, chúng ta cũng sẽ lùi lại một chút và bắt đầu thảo luận những ý tưởng cơ bản về ánh sáng và tầm nhìn đã thấy trước sự khám phá ra sóng điện từ.

1.1 Bản chất của ánh sáng

Mối liên hệ nhân quả trong sự nhìn


Mặc dù có tiêu đề như vậy, nhưng chương này còn cách rất xa sự hiểu biết sơ đẳng của bạn về ánh sáng. Sự hiểu biết có vẻ như là lợi thế, nhưng đa số mọi người chưa bao giờ suy nghĩ thận trọng về ánh sáng và sự nhìn. Ngay cả người thông minh đã suy nghĩ kĩ về sự nhìn cũng đi tới những quan niệm không đúng. Người Hi Lạp, Arab và Trung Hoa cổ đại đã có những lí thuyết về ánh sáng và sự nhìn, toàn bộ những lí thuyết đó đa phần là sai lầm, và toàn bộ những lí thuyết đó đã được chấp nhận trong hàng nghìn năm trời.

Có một điều mà những người cổ đại đã nhận thức đúng là có một sự khác biệt giữa những vật phát ra ánh sáng và những vật không phát ra ánh sáng. Khi bạn nhìn thấy một chiếc lá trong rừng cây, đó là vì ba vật khác nhau đang thực thi công việc của chúng: chiếc lá, đôi mắt, và mặt trời. Nhưng những vật tỏa sáng như mặt trời, ngọn lửa hay dây tóc bóng đèn điện có thể nhìn thấy bằng mắt mà không cần sự có mặt của một vật thứ ba. Sự phát xạ ánh sáng thường, chứ không phải luôn luôn, đi kèm với nhiệt. Trong thời đại ngày nay, chúng ta đã quen thuộc với rất nhiều vật tỏa sáng mà không bị nung nóng, thí dụ như bóng đèn huỳnh quang và đồ chơi phát quang trong đêm.

Làm thế nào chúng ta nhìn thấy những vật tỏa sáng? Các triết gia Hi Lạp Pythagoras (khoảng 560 tCN) và Empedocles xứ Acragas (khoảng 492 tCN), thật không may là lại rất có sức thuyết phục, khẳng định rằng khi bạn nhìn vào một ngọn lửa nến, thì ngọn lửa và mắt bạn cùng phát ra một loại vật chất bí ẩn, và khi vật chất của mắt bạn va chạm với vật chất của ngọn nến, thì ngọn nến sẽ trở nên hiển hiện trước tầm nhìn của bạn.

“Lí thuyết vật chất va chạm” kiểu Hi Lạp như thế trông thật kì quái, nhưng nó có hai điểm tốt. Nó lí giải vì sao cả ngọn nến lẫn mắt bạn đều phải có mặt trong sự nhìn của bạn. Lí thuyết trên cũng có thể dễ dàng mở rộng để giải thích làm thế nào chúng ta nhìn thấy những vật không phát sáng. Chẳng hạn, nếu một chiếc lá có mặt tại chỗ va chạm giữa vật chất của mắt bạn và vật chất của ngọn nến, thì chiếc lá sẽ bị kích thích để hiển hiện bản chất màu lục của nó, cho phép bạn cảm nhận nó có màu lục.

Người thời hiện đại có thể cảm thấy không hài lòng với lí thuyết này, vì nó cho rằng tính lục chỉ tồn tại cho chúng ta tiện nhìn, hàm ý rằng con người có quyền ưu tiên cao hơn hiện tượng tự nhiên. Ngày nay, người ta muốn thấy mối liên hệ nhân quả trong sự nhìn nằm ở chỗ khác, với chiếc lá đang làm cái gì đó với mắt chúng ta thay vì mắt chúng ta đang làm gì với chiếc lá. Nhưng bạn có thể nói như thế nào chứ? Cách phổ biến nhất để phân biệt nguyên nhân với hệ quả là xác định cái gì xảy ra trước, nhưng quá trình nhìn dường như xảy ra quá nhanh để mà xác định trật tự mọi thứ đã diễn ra. Chắc chắn không có sự trễ thời gian rõ ràng nào giữa thời khắc khi bạn cử động đầu của mình và thời khắc khi ảnh phản xạ của bạn ở trong gương di chuyển.

Ngày nay, kĩ thuật nhiếp ảnh mang lại bằng chứng thực nghiệm đơn giản nhất rằng không có cái gì phát ra từ mắt bạn và đi tới chiếc lá để làm cho nó “có màu lục”. Một camera có thể chụp ảnh của chiếc lá trong khi chẳng có con mắt nào ở gần đó cả. Vì chiếc lá hiển hiện màu lục cho dù nó đang được cảm nhận bởi camera, mắt của bạn, hay mắt côn trùng, cho nên điều có ý nghĩa hơn là nên nói tính lục của chiếc lá là nguyên nhân, và cái gì đó xảy ra trong camera hay trong mắt là hệ quả.

Ánh sáng là một thực thể, và nó truyền từ điểm này sang điểm khác

Một vấn đề nữa mà một số người đã xem xét là ngọn lửa nến ảnh hưởng đến mắt của bạn một cách trực tiếp, hay nó phát ra ánh sáng đi vào trong mắt của bạn. Một lần nữa, tính nhanh chóng của hiệu ứng khiến người ta khó nói rõ cái gì đang xảy ra. Nếu một ai đó ném một hòn đá vào người bạn, bạn có thể nhìn thấy hòn đá trên đường đi của nó đến cơ thể bạn, và bạn có thể nói rằng người đó tấn công bạn bằng cách gửi vật chất đến đường đi của bạn, thay vì trực tiếp “xử” bạn bằng tay chân, cái đó được gọi là “tác dụng xa”. Thật chẳng dễ dàng gì thực hiện một quan sát tương tự để xét xem có “vật chất” nào truyền từ ngọn nến đến mắt bạn hay không, hay đó là trường hợp tác dụng từ xa.

Benjamin Crowell: Quang học Bk02

a/ Ánh sáng phát ra từ ngọn nến tất nhiên bị chạm trúng bởi miếng thủy tinh. Việc đưa miếng thủy tinh vào chặn giữa làm cho vị trí biểu kiến của ngọn nến bị dời chỗ. Hiệu ứng tương tự có thế thấy được khi bạn tháo kính đeo mắt xuống và hãy nhìn vào cái bạn trông thấy ở gần rìa của thấu kính, nhưng một miếng thủy tinh phẳng sẽ hoạt động giống hệt như thấu kính trong mục đích này.

Vật lí học Newton bao hàm cả tác dụng xa (thí dụ lực hấp dẫn của Trái đất tác dụng lên một vật đang rơi) và lực tiếp xúc như lực pháp tuyến, chỉ cho phép những vật ở xa tác dụng lực lên nhau bằng cách bắn ra một chất nào đó băng qua không gian giữa chúng (thí dụ lực vòi tưới vườn phun nước tác dụng lên bụi cây).

Một bằng chứng rằng ngọn nến phát ra vật chất truyền đến mắt bạn là như trên hình a/, một chất trong suốt chèn vào giữa đường đi làm cho ngọn nến trông như ở vị trí không đúng, cho thấy ánh sáng là cái gì đó tất nhiên có thể bị chạm trúng. Tuy nhiên, nhiều người sẽ bác bỏ loại quan sát này là ảo giác. (Một số hiệu ứng quang học là những hiệu ứng thần kinh hoặc tâm lí thuần túy, mặc dù một số hiệu ứng khác, như hiệu ứng này, hóa ra có nguyên nhân là do hành trạng của ánh sáng).

Một cách thuyết phục hơn để xác định ánh sáng thuộc loại gì là tìm hiểu xem nó mất thời gian bao lâu để đi từ ngọn nến đến mắt của bạn; trong vật lí học Newton, tác dụng xa được cho là tức thời. Thực tế hàng ngày chúng ta hay nói “tốc độ ánh sáng” hàm ý rằng tại một thời điểm nào đó trong lịch sử, một ai đó đã thành công trong việc chứng tỏ rằng ánh sáng không truyền đi nhanh vô hạn. Galileo đã thử, và thất bại, nhằm phát hiện tốc độ hữu hạn đối với ánh sáng, bằng cách bố trí một người đứng tại một tòa tháp ở xa dùng đèn lồng phát đi tín hiệu tới lui. Galileo mở đèn của ông ra, và khi người kia nhìn thấy ánh sáng, anh ta mở đèn của mình. Galileo không thể đo thấy bất kì sự trễ thời gian đáng kể nào so với những giới hạn phản xạ của con người.

Người đầu tiên chứng minh rằng tốc độ ánh sáng là hữu hạn, và xác định nó bằng số, là Ole Roemer, trong một loạt phép đo tiến hành trong năm 1675. Roemer đã quan sát Io, một trong những vệ tinh của Mộc tinh, trong khoảng thời gian vài năm. Vì Io được giả định là mất một lượng thời gian như nhau để quay trọn một vòng quanh Mộc tinh, nên nó có thể được xem là một chiếc đồng hồ ở rất xa, rất chính xác. Một đồng hồ quả lắc thực tế và chính xác mới được phát minh ra trước đó không lâu, nên Roemer có thể kiểm tra tỉ số chu kì của hai chiếc đồng hồ, khoảng 42,5 giờ trên 1 vòng quỹ đạo, vẫn giữ không đổi hoặc thay đổi chút ít. Nếu quá trình ngắm vệ tinh xa xôi trên là tức thời, thì sẽ không có sự lí giải nào cho hai kết quả lệch nhau. Cho dù tốc độ ánh sáng là hữu hạn, thì bạn có thể trông đợi kết quả cũng sẽ khớp với nhau. Tuy nhiên, Trái đất chúng ta không ở một khoảng cách cố định đối với Mộc tinh và vệ tinh của nó. Vì khoảng cách đó thay đổi dần dần do chuyển động quỹ đạo của hai hành tinh, cho nên một tốc độ hữu hạn của ánh sáng sẽ làm cho “đồng hồ Io” dường như chạy nhanh hơn khi các hành tinh chuyển động đến gần nhau, và chạy chậm hơn khi khoảng cách giữa chúng tăng lên. Roemer thật sự tìm thấy một sự biến thiên tốc độ biểu kiến của quỹ đạo của Io, cái làm cho sự che khuất Io bởi Mộc tinh (thời khắc khi Io đi qua phía trước hoặc phía sau Mộc tinh) xảy ra sớm khoảng 7 phút khi Trái đất ở gần Mộc tinh nhất, và muộn 7 phút khi nó ở xa nhất. Dựa trên những phép đo này, Roemer ước tính tốc độ ánh sáng xấp xỉ 2 x 108 m/s, giá trị khá gần với số đo hiện đại 3 x 108 m/s. (Tôi không rõ sai số thực nghiệm khá lớn như thế chủ yếu là do kiến thức không chính xác về bán kính quỹ đạo của Trái đất hay là do những hạn chế về độ tin cậy của đồng hồ quả lắc).

Benjamin Crowell: Quang học Bk03

b/ Ảnh chụp Mộc tinh và vệ tinh của nó (trái) do phi thuyền Cassini cung cấp.

Benjamin Crowell: Quang học Bk04

c/ Trái đất đang chuyển động về phía Mộc tinh và Io. Vì khoảng cách đang rút ngắn, nên tốn ít thời gian hơn cho ánh sáng đi từ Io đến chúng ta, và Io dường như quay xung quanh Mộc tinh nhanh hơn bình thường. Sáu tháng sau đó, Trái đất sẽ nằm phía bên kia của Mặt trời và lùi ra xa Mộc tinh và Io, cho nên Io dường sẽ quay xung quanh Mộc tinh chậm hơn.

Ánh sáng có thể truyền trong chân không

Nhiều người cảm thấy lúng túng trước mối liên hệ giữa âm thanh và ánh sáng. Mặc dù chúng ta sử dụng những cơ quan khác nhau để cảm nhận chúng, nhưng có một số tương đồng. Chẳng hạn, cả ánh sáng lẫn âm thanh đều thường lan tỏa ra mọi hướng từ nguồn phát của chúng. Các nhạc sĩ thậm chí còn sử dụng những phép ẩn dụ thị giác như “tông màu”, hay “âm sắc tươi vui” để mô tả âm thanh. Một cách nhìn nhận chúng rõ ràng là những hiện tượng khác nhau là lưu ý đến vận tốc rất khác nhau của chúng. Chắc chắn, cả hai giá trị vận tốc đều nhanh so với một mũi tên đang bay hay một con ngựa đang phi nước đại, nhưng như chúng ta thấy, tốc độ ánh sáng lớn đến mức gần như là tức thời trong đa số tình huống. Tuy nhiên, tốc độ của âm thanh thì có thể dễ dàng quan sát được bằng cách dõi theo một đám trẻ ở xa vài trăm mét khi chúng vỗ tay hát đồng ca. Có một sự trễ thời gian rõ ràng giữa lúc bạn nhìn thấy bàn tay của chúng vỗ với nhau và lúc bạn nghe thấy tiếng vỗ tay.

Sự khác biệt cơ bản giữa âm thanh và ánh sáng là ở chỗ âm thanh là một dao động áp suất không khí, cho nên nó cần không khí (hay một môi trường khác như nước) để truyền đi. Ngày nay, chúng ta biết rằng không gian vũ trụ bên ngoài là chân không, cho nên thực tế chúng ta thu được ánh sáng từ mặt trời, mặt trăng và các vì sao rõ ràng cho thấy không khí là không cần thiết đối với sự truyền ánh sáng.

Câu hỏi thảo luận

A. Nếu bạn quan sát sấm sét, bạn có thể nói cơn giông bão ở xa bao nhiêu. Bạn có cần biết tốc độ của âm thanh, của ánh sáng, hay của cả hai hay không?

B. Khi những hiện tượng như tia X và tia vũ trụ lần đầu được khám phá ra, hãy đề xuất một cách mà người ta có thể kiểm tra để biết xem chúng là những dạng ánh sáng hay không.

C. Tại sao Roemer chỉ cần biết bán kính của quỹ đạo Trái đất, chứ không cần bán kính của quỹ đạo Mộc tinh, để tìm ra tốc độ ánh sáng?

Quang học
Benjamin Crowell
Trần Nghiêm dịch

Trần Nghiêm

Thư Viện Vật Lý


Được sửa bởi Administrator ngày August 20th 2011, 13:52; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://melody.forum-viet.com
Administrator
Administrator
Administrator
Administrator

Pet Shop Vào Cửa Hàng Pet
Posts : 960
Points : 43040
Thanked : 22
Ngày tham gia : 28/07/2011

Benjamin Crowell: Quang học Empty
Bài gửiTiêu đề: Phần 2   Benjamin Crowell: Quang học Icon_minitimeAugust 20th 2011, 12:05

1.2 Tương tác của ánh sáng với vật chất

Sự hấp thụ ánh sáng


Lí do mặt trời gây cảm giác ấm áp trên da bạn là vì ánh sáng mặt trời đang bị hấp thụ, và năng lượng ánh sáng đang biến đổi thành năng lượng nhiệt. Điều tương tự xảy ra với ánh sáng nhân tạo, cho nên kết quả chung của việc bật đèn sáng là làm nóng căn phòng. Cho dù nguồn sáng có nóng, như mặt trời, ngọn lửa, hay bóng đèn nóng sáng, hoặc lạnh, như bóng đèn huỳnh quang. (Nếu nhà của bạn có lò sưởi điện, thì tuyệt đối đừng bao giờ tắt hết đèn trong mùa đông; bóng đèn giúp sưởi ấm căn phòng với chi phí ngang bằng lò sưởi điện đấy).

Quá trình nóng lên bởi sự hấp thụ như thế này hoàn toàn khác với sự nóng lên do dẫn nhiệt, như khi bếp điện làm nóng món sốt spaghetti trong chão. Nhiệt chỉ có thể dẫn qua vật chất, nhưng có khoảng chân không giữa chúng ta và mặt trời, hoặc giữa chúng ta và dây tóc của một bóng đèn nóng sáng. Đồng thời, sự dẫn nhiệt chỉ có thể truyền năng lượng từ vật nóng hơn sang vật lạnh hơn, nhưng một bóng đèn huỳnh quang nguội hoàn toàn có khả năng làm nóng bất cứ cái gì vốn bắt đầu đã nóng hơn bản thân bóng đèn.

Làm thế nào chúng ta nhìn thấy những vật không phát sáng

Không phải toàn bộ ánh sáng đi tới một vật đều bị biến đổi thành nhiệt. Một phần ánh sáng bị phản xạ, và điều này đưa chúng ta đến câu hỏi làm thế nào chúng ta nhìn thấy những vật không phát sáng? Nếu bạn hỏi một người bình thường làm thế nào chúng ta nhìn thấy một cái bóng đèn, câu trả lời có khả năng nhất là “Bóng đèn phát ra ánh sáng, và ánh sáng đi tới mắt chúng ta”. Nhưng nếu bạn hỏi làm thế nào chúng ta nhìn thấy một quyển sách, họ có khả năng sẽ nói “Bóng đèn thắp sáng căn phòng, và ánh sáng đó cho phép chúng ta nhìn thấy quyển sách”. Toàn bộ vấn đề ánh sáng đi vào mắt chúng ta đã biến mất một cách bí ẩn.

Đa số mọi người sẽ không tán thành nếu bạn bảo họ rằng ánh sáng bị phản xạ từ quyển sách đi tới mắt, vì họ nghĩ sự phản xạ là cái gì đó xảy ra với cái gương, chứ không phải với một thứ như quyển sách. Họ hình dung sự phản xạ đi cùng với sự tạo thành ảnh phản xạ, mà ảnh đó không có vẻ sẽ xuất hiện trên một tờ giấy.

Hãy tưởng tượng bạn đang nhìn vào ảnh phản xạ của bạn trên một lá nhôm phẳng, bóng, không có gấp nếp nào. Bạn nhận thấy gương mặt, chứ không phải một miếng kim loại. Có lẽ bạn cũng nhìn thấy ảnh phản xạ sáng rỡ của một bóng đèn trên vai phía sau bạn. Giờ thì hãy tưởng tượng lá nhôm đó hơi kém nhẵn đi một chút. Những phần khác nhau của ảnh giờ bắt đầu hơi lệch hàng với nhau. Não của bạn có thể vẫn nhận ra gương mặt và cái bóng đèn, nhưng nó hơi bị nhòe, giống như tranh Picasso vậy. Giờ giả sử bạn dùng một lá nhôm đã từng cuộn gấp và đã dát phẳng ra trở lại. Những phần của ảnh nhòe đến mức bạn không thể nhận ra ảnh nữa. Thay vào đó, não của bạn mách bảo rằng bạn đang nhìn vào một bề mặt gồ ghề có ánh bạc.

Benjamin Crowell: Quang học Qh0d

d/ Hai bức chân dung tự chụp của tác giả, một chụp trong gương và một chụp với một lá nhôm.

Sự phản xạ kiểu gương ở một góc nhất định được gọi là phản xạ phản chiếu, còn sự phản xạ ngẫu nhiên theo nhiều hướng khác nhau được gọi là phản xạ khuếch tán. Phản xạ khuếch tán là cách chúng ta nhìn thấy những vật không phát sáng. Phản xạ phản chiếu chỉ cho phép chúng ta nhìn thấy ảnh của những vật khác ngoài vật đang phản xạ. Trong phần trên của hình d, hãy tưởng tượng các tia sáng đang phát ra từ mặt trời. Nếu bạn nhìn xuống một bề mặt phản chiếu, thì không có cách nào cho hệ mắt-não của bạn bảo rằng các tia sáng đó thật sự không phát ra từ mặt trời nằm ở bên dưới chỗ bạn.

Benjamin Crowell: Quang học Qh0e

e/ Phản xạ phản chiếu và phản xạ khuếch tán

Hình f thể hiện một thí dụ khác của cách chúng ta không thể tránh được kết luận rằng ánh sáng phản xạ khỏi những vật khác ngoài các loại gương ra. Đèn ống là cái tôi có trong nhà mình. Nó có một bóng sáng, đặt trong một tấm chắn kim loại hình lòng chão hoàn toàn mờ đục. Con đường duy nhất ánh sáng có thể đi ra khỏi đèn ống là đi qua phần trên của lòng chão. Thực tế tôi có thể đọc một quyển sách ở tư thế như trong hình có nghĩa là ánh sáng phải phản xạ khỏi trần nhà, sau đó phản xạ khỏi quyển sách, rồi cuối cùng đi vào mắt của tôi.

Benjamin Crowell: Quang học Qh0f

f/ Ánh sáng phản xạ khỏi trần nhà, sau đó phản xạ khỏi quyển sách

Đây là chỗ những thiếu sót của lí thuyết Hi Lạp về sự nhìn trở nên rõ ràng hiển nhiên. Theo lí thuyết Hi Lạp, ánh sáng phát ra từ bóng đèn và “các tia mắt” bí ẩn của tôi đều được cho là đi tới quyển sách, tại đó chúng va chạm nhau, cho phép tôi nhìn thấy quyển sách. Nhưng lúc này chúng ta có tổng cộng bốn vật: bóng đèn, mắt, quyển sách và trần nhà. Vậy thì trần nhà nằm ở chỗ nào? Nó có gửi ra những “tia trần nhà” bí ẩn của riêng nó, góp phần vào một va chạm tay ba tại quyển sách hay không? Điều đó đúng là quá kì quái để mà tin!

Sự khác biệt giữa màu trắng, màu đen, và những bóng xám khác nằm ở chỗ bao nhiêu phần trăm ánh sáng mà chúng hấp thụ và bao nhiêu phần trăm ánh sáng mà chúng phản xạ. Đó là lí do vì sao vải vóc màu sáng thông dễ nhìn hơn vào mùa hè, và màn thảm màu sáng trong xe hơi trông mát mẻ hơn màn thảm màu đen.

Số đo cường độ sáng

Chúng ta vừa thấy rằng cảm giác sinh lí của tiếng ồn có liên quan đến cường độ âm thanh (công suất trên đơn vị diện tích), nhưng không tỉ lệ thuận với nó. Nếu âm A có cường độ 1 nW/m2, âm B có cường độ 10 nW/m2, và âm C là 100 nW/m2, thì sự tăng mức cường độ từ B lên C được cảm nhận ngang bằng với sự tăng từ A lên B, chứ không phải lớn hơn 10 lần. Nghĩa là cảm giác mức cường độ âm là hàm logarithm.

Điều tương tự đúng với cường độ sáng. Độ sáng liên hệ với công suất trên đơn vị diện tích, nhưng mối liên hệ sinh lí là hàm logarithm thay cho hàm tỉ lệ thuận. Trên phương diện vật lí, chúng ta quan tâm đến công suất trên đơn vị diện tích. Đơn vị liên quan là W/m2. Một cách xác định cường độ sáng là đo độ tăng nhiệt độ của một vật đen đặt trước ánh sáng đó. Năng lượng ánh sáng bị biến đổi thành năng lượng nhiệt, và phần năng lượng nhiệt bị hấp thụ trong một thời gian cho trước có thể liên hệ với công suất hấp thụ, sử dụng nhiệt dung đã biết của vật. Những dụng cụ đo cường độ ánh sáng thực tế hơn, thí dụ như những máy đo ánh sáng chế tạo trong một số camera, hoạt động dựa trên sự biến đổi ánh sáng thành năng lượng điện, nhưng những máy đo này phải được chế tạo để khắc phục những số đo nhiệt.

Câu hỏi thảo luận

A. Màn cửa trong một căn phòng nọ đã kéo xuống, nhưng có một khe nhỏ cho phép ánh sáng đi qua, chiếu một đốm sáng lên trên sàn nhà. Người ta có thể hoặc cũng không có thể nhìn thấy chùm ánh sáng mặt trời đi xuyên qua phòng, tùy thuộc vào điều kiện nhìn. Cái gì diễn ra tiếp sau đó?

B. Các chùm laser là ánh sáng. Trong phim khoa học viễn tưởng, các chùm laser thường được thể hiện là những đường sáng bắn từ súng laser lên trên phi thuyền vũ trụ. Tại sao sự mô tả như thế là không đúng về mặt khoa học?

C. Một nhà làm phim tư liệu đã đến lễ tốt nghiệp năm 1987 của trường Harvard và phỏng vấn sinh viên tốt nghiệp, trước camera, yêu cầu giải thích các mùa trong năm. Chỉ có 2 trong số 23 người có thể cho lời giải thích đúng, nhưng giờ thì bạn đã có mọi thông tin cần thiết để tự mình trả lời, giả sử bạn chưa biết gì hết. Hình bên dưới thể hiện trái đất ở vị trí mùa đông và mùa hè so với mặt trời. Gợi ý: Xét những đơn vị dùng để đo cường độ ánh sáng, và nhớ rằng mặt trời trong mùa đông thì hơi thấp, nên các tia sáng của nó chiếu xiên một góc nông hơn.

Benjamin Crowell: Quang học Qh0g

g/ Câu hỏi thảo luận C

Quang học
Benjamin Crowell
Trần Nghiêm dịch

Trần Nghiêm

Thư Viện Vật Lý
Về Đầu Trang Go down
https://melody.forum-viet.com
Administrator
Administrator
Administrator
Administrator

Pet Shop Vào Cửa Hàng Pet
Posts : 960
Points : 43040
Thanked : 22
Ngày tham gia : 28/07/2011

Benjamin Crowell: Quang học Empty
Bài gửiTiêu đề: Phần 3   Benjamin Crowell: Quang học Icon_minitimeAugust 20th 2011, 12:09

1.3 Mô hình tia sáng

Các mô hình ánh sáng


Hãy lưu ý cách thức tôi đã miêu tả không chính thức sự chuyển động của ánh sáng với hình ảnh thể hiện ánh sáng có dạng đường thẳng trên trang giấy. Chính thức hơn thì đây được gọi là mô hình tia sáng. Mô hình tia của ánh sáng có vẻ tự nhiên một khi chúng ta tự thuyết phục bản thân mình rằng ánh sáng truyền đi trong không gian, và quan sát những hiện tượng như những chùm tia sáng mặt trời chiếu xuyên qua khe trống trên những đám mây. Đã từng nêu ra khái niệm ánh sáng là một sóng điện từ, bạn biết rằng ánh sáng không phải là sự thật tối hậu về ánh sáng, nhưng mô hình tia sáng thì đơn giản hơn, và trong mọi trường hợp, khoa học luôn xử lí những mô hình của thực tại, chứ không xử lí bản chất tối hậu của thực tại. Bảng dưới đây tóm tắt ba mô hình ánh sáng.

Benjamin Crowell: Quang học Ben1h

h/ Ba mô hình ánh sáng

Mô hình tia sáng là một mô hình thông dụng. Bằng cách sử dụng nó, chúng ta có thể nói về đường đi của ánh sáng mà không bận tâm tới bất kì sự mô tả đặc biệt nào của cái gì đang chuyển động dọc theo đường đi đó. Chúng ta sẽ sử dụng mô hình tia đơn giản, xinh đẹp ấy trong đa phần tập sách này, và với nó chúng ta có thể phân tích rất nhiều dụng cụ và hiện tượng. Cho đến chương cuối thì chúng ta mới bàn về quang học sóng, mặc dù trong những chương giữa, thỉnh thoảng tôi sẽ phân tích cùng một hiện tượng với mô hình tia lẫn mô hình sóng.

Lưu ý rằng những phát biểu về khả năng áp dụng của những mô hình khác nhau chỉ là những chỉ dẫn thô. Chẳng hạn, những hiệu ứng giao thoa sóng thường là có thể phát hiện ra, nếu nhỏ, khi ánh sáng đi qua một vật chắn hơi lớn hơn bước sóng một chút. Đồng thời, điều kiện khi chúng ta cần mô hình hạt thật ra có nhiều cái phải làm với thang năng lượng hơn là thang khoảng cách, mặc dù cả hai đều có liên quan.

Độc giả thận trọng có thể để ý thấy mô hình sóng là cần thiết ở những thang đo nhỏ hơn bước sóng của ánh sáng (vào cỡ 1 micromet đối với ánh sáng nhìn thấy), và mô hình hạt là cần thiết ở thang nguyên tử hoặc nhỏ hơn (một nguyên tử tiêu biểu có kích cỡ chừng 1 nanomet hoặc tương đương). Điều này gợi ý rằng ở những thang bậc nhỏ nhất, chúng ta cần cả mô hình sóng và mô hình hạt. Chúng có vẻ không tương thích với nhau, vậy làm thế nào chúng ta có thể sử dụng chúng đồng thời? Câu trả lời là chúng không hẳn là không tương thích như thoạt trông như thế. Ánh sáng vừa là sóng vừa là hạt, nhưng sự hiểu rõ trọn vẹn của phát biểu rõ ràng phi trực giác này là một chủ đề cho tập tiếp theo trong bộ sách này.

Benjamin Crowell: Quang học Ben1i

i/ Các thí dụ của sơ đồ tia sáng

Sơ đồ tia sáng

Cho dù không biết làm thế nào sử dụng mô hình tia sáng để tính toán mọi thứ bằng số, nhưng chúng ta có thể học được rất nhiều thứ bằng cách vẽ ra sơ đồ tia sáng. Chẳng hạn, nếu bạn muốn hiểu làm thế nào kính mắt giúp bạn nhìn rõ nét, thì một sơ đồ tia sáng là nơi thích hợp để bắt đầu. Nhiều học sinh sợ sử dụng sơ đồ tia sáng trong quang học và thay vào đó chỉ ham học thuộc lòng hay thay số vào công thức. Vấn đề xảy ra với chuyện học thuộc lòng và thay số là chúng có thể làm lu mờ cái thật sự đang diễn ra, và dễ đưa tới sai lầm. Thường thì cách tốt nhất là vẽ một sơ đồ tia sáng trước, sau đó tính toán bằng số, và kiểm tra lại kết quả số của bạn xem có phù hợp với cái bạn thu được từ sơ đồ tia sáng hay không.

Benjamin Crowell: Quang học Ben1j

/ 1. Đúng. 2. Sai: hàm ý rằng sự phản xạ khuếch tán chỉ cho một tia từ mỗi điểm phản xạ. 3. Đúng: nhưng phức tạp đến mức không cần thiết.

Hình j trình bày một số chỉ dẫn sử dụng sơ đồ tia sáng sao cho hiệu quả. Các tia sáng bẻ cong khi chúng đi ra khỏi bề mặt của nước (một hiện tượng chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn ở phần sau). Các tia sáng có vẻ như xuất phát từ một điểm phía trên vị trí thật sự của con cá vàng, một hiệu ứng quen thuộc với những ai đã từng đi câu cá.

  • Một dòng ánh sáng thật ra không bị hạn chế với một số lượng hữu hạn những đường hẹp. Chúng ta chỉ vẽ nó như thế thôi. Trong hình j/1, cần chọn một số hữu hạn tia sáng để vẽ (5 tia), chứ không vẽ số lượng vô hạn tia như lí thuyết sẽ đi ra từ điểm đó.

  • Có một xu hướng không đúng là hình dung các tia sáng như những vật thể. Trong quyển Quang học của ông, Newton đã nêu ra cảnh giác với độc giả về sự nhầm lẫn này, ông nói rằng một số người “xem... sự khúc xạ của... các tia sáng là sự bẻ cong hay phân tách chúng khi chúng đi từ môi trường này ra môi trường khác”. Một tia sáng là một sự ghi lại đường đi mà ánh sáng đã truyền qua, chứ không phải một đối tượng vật chất có thể bị bẻ cong hay phân tách.

  • Trên lí thuyết, các tia sáng có thể tiếp tục kéo dài vô hạn về quá khứ hoặc tương lai, nhưng chúng ta nên vẽ các đường có chiều dài hữu hạn. Trong hình j/1, một lựa chọn đúng đắn đó là nơi bắt đầu và kết thúc các tia sáng. Không có điểm nào trong phần kéo dài của những tia sáng ngoài phần hình vẽ, vì chẳng có cái gì mới mẻ và hấp dẫn xảy ra với chúng hết. Còn có một lí do hợp lí nữa để bắt đầu chúng sớm hơn, trước khi bị phản xạ bởi con cá, vì hướng của các tia phản xạ khuếch tán là ngẫu nhiên và không có liên quan tới hướng của những tia tới ban đầu.

  • Khi biểu diễn sự phản xạ khuếch tán trong sơ đồ tia sáng, nhiều học trò có suy nghĩ tránh vẽ quá nhiều tia tỏa ra từ cùng một điểm. Thông thường, như trong thí dụ j/2, cái bị hiểu lầm là ánh sáng chỉ có thể phản xạ từ hướng này sang hướng khác.

Một khó khăn nữa đi cùng với sự phản xạ khuếch tán, thí dụ j/3, là xu hướng nghĩ rằng ngoài việc vẽ nhiều tia tỏa ra từ một điểm, chúng ta cũng nên vẽ nhiều tia đến từ nhiều điểm. Trong hình j/1, việc vẽ nhiều tia tỏa ra từ một điểm mang lại thông tin hữu ích, cho chúng ta biết rằng, chẳng hạn, con cá được nhìn từ bất kì góc nào. Việc vẽ nhiều tập hợp tia, như trong hình j/3, không cung cấp thêm cho chúng ta thông tin hữu ích gì nữa, và chỉ làm cho bức tranh trong thí dụ này rối rắm thêm mà thôi. Lí do duy nhất để vẽ tập hợp nhiều tia sáng tỏa ra từ nhiều hơn một điểm là nếu có những cái khác nhau đang xảy ra với những tập hợp tia khác nhau đó.

Câu hỏi thảo luận

A. Giả sử một con cá sử dụng một công cụ thông minh để... săn người. Hãy vẽ sơ đồ tia sáng thể hiện con cá phải hiệu chỉnh mục tiêu của nó như thế nào. Lưu ý rằng mặc dù các tia sáng lúc này đi từ không khí vào nước, nhưng quy tắc áp dụng vẫn như cũ: tia sáng ở gần pháp tuyến với bề mặt hơn khi chúng ở trong nước, và những tia sáng đi tới ranh giới không khí-nước với góc thấp là bị bẻ cong nhiều nhất.

Quang học
Benjamin Crowell
Trần Nghiêm dịch

Trần Nghiêm

Thư Viện Vật Lý


Được sửa bởi Administrator ngày August 20th 2011, 12:21; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://melody.forum-viet.com
Administrator
Administrator
Administrator
Administrator

Pet Shop Vào Cửa Hàng Pet
Posts : 960
Points : 43040
Thanked : 22
Ngày tham gia : 28/07/2011

Benjamin Crowell: Quang học Empty
Bài gửiTiêu đề: Phần 4   Benjamin Crowell: Quang học Icon_minitimeAugust 20th 2011, 12:19

1.4 Cơ sở hình học của sự phản xạ phản chiếu

Để làm thay đổi chuyển động của một vật, chúng ta sử dụng lực. Có cách nào tác dụng lực lên một chùm ánh sáng hay không? Các thí nghiệm cho thấy điện trường và từ trường không làm lệch hướng chùm ánh sáng, cho nên rõ ràng ánh sáng không có điện tích. Ánh sáng cũng không có khối lượng, vì thế cho đến thế kỉ 20 người ta tin rằng nó cũng miễn dịch với trường hấp dẫn. Einstein dự đoán rằng những chùm ánh sáng sẽ bị lệch chút ít bởi trường hấp dẫn mạnh, và người ta đã chứng minh ông đúng với những quan sát ánh sáng sao đi qua gần mặt trời, nhưng rõ ràng đó chẳng phải là cái làm cho gương và thấu kính hoạt động!

Nếu chúng ta nghiên cứu ánh sáng bị lệch như thế nào bởi một cái gương, chúng ta sẽ nhận thấy quá trình đó phức tạp khủng khiếp, nhưng kết quả cuối cùng thì đơn giản đến bất ngờ. Cái thật sự xảy ra là ánh sáng cấu thành từ điện trường và từ trường, và những trường này làm gia tốc các electron trong gương. Năng lượng của chùm ánh sáng ngay tức thời biến đổi thành động năng của các electron, nhưng vì các electron đang tăng tốc nên chúng tái phát xạ ánh sáng, biến đổi động năng của chúng trở lại thành năng lượng ánh sáng. Chúng ta trông đợi điều này mang lại một tình huống rất lộn xộn, nhưng đủ bất ngờ, các electron chuyển động với nhau để tạo ra một chùm ánh sáng mới, phản xạ, tuân theo hai quy luật đơn giản:

  • Góc của tia phản xạ bằng với góc của tia tới.

  • Tia phản xạ nằm trong mặt phẳng chứa tia tới và pháp tuyến (vuông góc). Mặt phẳng này được gọi là mặt phẳng tới.


Benjamin Crowell: Quang học Ben1k

k/ Cơ sở hình học của sự phản xạ phản chiếu

Góc phản xạ và góc tới có thể xác định so với pháp tuyến, như góc B và C trên hình, hoặc so với mặt phản xạ, như góc A và góc D. Có một quy ước đã tồn tại hàng trăm năm rằng người ta đo góc so với pháp tuyến, nhưng quy tắc hai góc bằng nhau ở trên có phát biểu là B = C hoặc A = D đều hợp lí.

Hiện tượng phản xạ chỉ xảy ra tại ranh giới giữa hai môi trường, giống như sự thay đổi tốc độ ánh sáng khi đi từ môi trường này sang môi trường khác. Như chúng ta đã thấy trong tập 3 của bộ sách này, đây là cách mà mọi loại sóng hành xử.

Đa số mọi người thấy bất ngờ trước thực tế rằng ánh sáng có thể bị phản xạ ngược từ một môi trường kém đặc hơn. Chẳng hạn, nếu bạn lặn xuống và nhìn ngược lên mặt nước, bạn sẽ nhìn thấy ảnh phản xạ của chính bạn.

Tự kiểm tra

Từng sơ đồ dưới đây biểu diễn hai tia khác nhau đang bị phản xạ từ cùng một điểm trên mặt gương. Sơ đồ nào đúng, và sơ đồ nào không đúng?

Benjamin Crowell: Quang học Ben1ka

Tính thuận nghịch của chiều truyền tia sáng

Thực tế sự phản xạ phản chiếu biểu hiện những góc tới và góc phản xạ bằn nhau có nghĩa là có một sự đối xứng: nếu trong hình trên, tia sáng đi từ phải sang thay vì từ trái sang, thì các góc sẽ trông y hệt như vậy. Đây không hẳn là một chi tiết vô nghĩa về sự phản xạ phản chiếu. Nó là một biểu hiện của một thực tế rất sâu sắc và quan trọng về tự nhiên, đó là các định luật vật lí không phân biệt giữa quá khứ và tương lai. Đạn đại bác và các hành tinh có quỹ đạo thuận nghịch tự nhiên như nhau, và các tia sáng cũng thế. Loại đối xứng này được gọi là đối xứng nghịch đảo thời gian.

Thông thường, đối xứng nghịch đảo thời gian là một đặc trưng của bất kì quá trình nào không liên quan đến nhiệt. Thí dụ, các hành tinh không chịu ma sát khi chúng chuyển động trong không gian trống rỗng, nên không có sự nóng lên do ma sát. Vì thế, chúng ta trông đợi những phiên bản nghịch đảo thời gian của quỹ đạo của chúng tuân theo các định luật vật lí, và đúng như thế. Trái lại, một quyển sách trượt trên bàn thật sự phát sinh nhiệt do ma sát vì nó chuyển động chậm dần, và do đó, không có gì bất ngờ khi loại chuyển động này không có vẻ tuân theo đối xứng nghịch đảo thời gian. Một quyển sách nằm yên trên một cái bàn bằng phẳng không bao giờ tự động bắt đầu trượt, nhận vào năng lượng nhiệt và biến đổi nó thành động năng.

Tương tự, tình huống duy nhất chúng ta quan sát thấy từ trước đến nay, trong đó ánh sáng không tuân theo đối xứng nghịch đảo thời gian là sự hấp thụ, quá trình liên quan đến nhiệt. Da của bạn hấp thụ ánh sáng nhìn thấy từ mặt trời đến và nóng lên, nhưng chúng ta chưa bao giờ quan sát thấy da của người nào phát sáng, biến đổi năng lượng nhiệt thành ánh sáng nhìn thấy. Da người thật sự phát ánh sáng trong vùng hồng ngoại, nhưng điều đó không có nghĩa rằng tình huống đó là đối xứng. Cho dù da của bạn hấp thụ tia hồng ngoại, nhưng bạn không phát ra ánh sáng nhìn thấy, vì da của bạn không đủ nóng để phát xạ trong vùng phổ nhìn thấy.

Những sự bất đối xứng hiển nhiên liên quan đến nhiệt này không phải là những sự bất đối xứng thật sự trong các định luật vật lí. Độc giả quan tâm có thể tham khảo thêm về vấn đề này trong chương tự chọn nhiệt động lực học ở tập 2 của bộ sách này.

Ví dụ 1. Lần theo tia sáng trên máy vi tính

Người ta có thể sử dụng một số kĩ thuật để tạo ra những khung nhìn nhân tạo trong đồ họa máy tính. Hình l thể hiện một khung cảnh như vậy, tạo bằng kĩ thuật xây dựng những sơ đồ tia sáng rất chi tiết trên máy vi tính. Kĩ thuật này yêu cầu rất nhiều phép tính toán, và do đó quá chậm để dùng cho video game và phim động trên máy tính. Một thủ thuật tăng tốc tính toán là khai thác tính thuận nghịch của chiều truyền tia sáng. Nếu người ta lần theo mỗi tia sáng phát ra bởi mỗi bề mặt phản xạ, thì chỉ một phần nhỏ trong số đó thật sự đi vào “camera” ảo, và do đó gần như toàn bộ nỗ lực tính toán sẽ bị lãng phí. Thay vào đó, người ta có thể bắt đầu một tia từ camera, lần theo nó ngược thời gian, và nhìn xem nó đi từ đâu tới. Với kĩ thuật này, không có sự lãng phí công sức nữa.

Benjamin Crowell: Quang học Ben1l

l/ bức ảnh được tạo ra hoàn toàn bằng máy tính, bằng cách tính toán một sơ đồ tia sáng phức tạp

Câu hỏi thảo luận

Benjamin Crowell: Quang học Ben1m

m/ Câu hỏi thảo luận B

Benjamin Crowell: Quang học Ben1n

n/ Câu hỏi thảo luận C

A. Nếu một tia sáng có vector vận tốc với các thành phần cx và cy, thì điều gì sẽ xảy ra khi nó bị phản xạ từ một bề mặt nằm dọc theo trục y? Hãy đảm bảo câu trả lời của bạn không hàm ý một sự thay đổi vận tốc của tia sáng.

B. Hãy khái quát hóa sự lí giải của bạn ở câu A, điều gì sẽ xảy ra với thành phần vận tốc của tia sáng đi tới một góc hẹp, như minh họa trên hình, và chịu hai sự phản xạ?

C. Ba tấm kim loại xếp vuông góc nhau như trên hình tạo thành cái gọi là một góc radar. Giả sử góc radar đó là lớn so với bước sóng của sóng radar, để cho mô hình tia sáng có ý nghĩa. Nếu góc radar nằm chìm trong các tia radar, ít nhất thì một phần của chúng sẽ chịu ba sự phản xạ. Hãy khái quát hóa sự lí giải của bạn thêm một lần nữa từ hai câu hỏi thảo luận ở trên, điều gì sẽ xảy ra với ba thành phần vận tốc của một tia như vậy? Góc radar có ích cho ứng dụng gì?

Quang học
Benjamin Crowell
Trần Nghiêm dịch
Trần Nghiêm

Thư Viện Vật Lý
Về Đầu Trang Go down
https://melody.forum-viet.com
Administrator
Administrator
Administrator
Administrator

Pet Shop Vào Cửa Hàng Pet
Posts : 960
Points : 43040
Thanked : 22
Ngày tham gia : 28/07/2011

Benjamin Crowell: Quang học Empty
Bài gửiTiêu đề: Phần 5   Benjamin Crowell: Quang học Icon_minitimeAugust 20th 2011, 13:05

1.5* Nguyên lí thời gian tối thiểu cho sự phản xạ

Chúng ta phải chọn giữa một sự giải thích không rộng rãi của sự phản xạ ở cấp độ nguyên tử và một mô tả hình học đơn giản hơn không phải là cơ bản. Có một cách thứ ba mô tả sự tương tác của ánh sáng và vật chất rất sâu sắc và đẹp đẽ. Được nhấn mạnh bởi nhà vật lí thế kỉ 20 Richard Feynman, nó được gọi là nguyên lí thời gian tối thiểu, hay nguyên lí Fermat.

Hãy bắt đầu với sự chuyển động của ánh sáng không tương tác với vật chất nào hết. Trong chân không, ánh sáng truyền đi theo đường thẳng. Điều này được diễn dịch lại như sau: trong số mọi đường đi khả dĩ ánh sáng có thể đi từ P đến Q, đường đi duy nhất có khả năng xảy ra về mặt vật lí là đường đi tốn ít thời gian nhất.

Benjamin Crowell: Quang học Ben5-1o

o/ Những đường liền nét là những đường đi có thể có về mặt vật lí cho tia sáng đi từ A đến B và từ A đến C. Chúng tuân theo nguyên lí thời gian tối thiểu. Những đường đứt nét không tuân theo nguyên lí thời gian tối thiểu, và không có khả năng xảy ra trên phương diện vật lí.

Còn sự phản xạ thì sao? Nếu ánh sáng đang đi từ điểm này đến điểm kia, bị phản xạ trên đường đi, thì đường đi nhanh nhất thật sự là con đường có góc tới và góc phản xạ bằng nhau. Nếu điểm bắt đầu và điểm kết thúc cách đều bề mặt phản xạ, o, thì chẳng khó khăn gì bạn có thể tự thuyết phục mình rằng điều này là đúng, dựa trên sự đối xứng. Còn có một cách chứng minh khéo léo và đơn giản, thể hiện trong hình p, cho trường hợp tổng quát hơn trong đó điểm bắt đầu và điểm kết thúc cách bề mặt phản xạ những khoảng cách khác nhau.

Nguyên lí thời gian tối thiểu không chỉ áp dụng cho ánh sáng trong chân không và ánh sáng đang phản xạ, mà chúng ta sẽ thấy trong một chương ở phần sau, nó cũng áp dụng được cho sự bẻ cong ánh sáng khi ánh sáng đi từ môi trường này sang môi trường khác.

Benjamin Crowell: Quang học Ben5-1p

p/ Đường đi AQB và APB là hai đường đi khả dĩ mà ánh sáng có thể đi từ A đến B với một lần phản xạ, nhưng chỉ đường AQB là có khả năng trên phương diện vật lí. Chúng ta muốn chứng minh đường đi AQB, với góc tới và góc phản xạ bằng nhau, là ngắn hơn bất kì đường đi nào khác, thí dụ như APB. Thủ thuật là xây dựng một điểm thứ ba, C, nằm bên dưới mặt phản xạ, với khoảng cách bằng với điểm B ở trên. Khi đó, đường đi AQC là đường thẳng có chiều dài bằng AQB, và đường đi APC có chiều dài bằng APB. Vì AQC là thẳng nên nó phải ngắn hơn bất kì đường nào khác như APC nối điểm A và điểm C, và do đó AQB phải ngắn hơn bất kì đường đi nào khác như APB chẳng hạn.

Mặc dù trông thật đẹp khi mà toàn bộ mô hình tia sáng có thể giản luận thành một quy tắc đơn giản, nguyên lí thời gian tối thiểu, nhưng có lẽ sẽ có chút ma quái nếu nói tia sáng có trí thông minh và đã thận trọng lên kế hoạch trước tìm lộ trình ngắn nhất hướng tới đích của nó. Làm thế nào nó biết trước nó đang đi về đâu? Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta di chuyển gương trong khi ánh sáng đang trên đường đi tới, sao cho những điều kiện theo đường đi đã định của nó không giống với cái nó “trông đợi” nữa? Câu trả lời là nguyên lí thời gian tối thiểu thật ra là một lối tắt để đi tìm những kết quả nhất định của mô hình sóng của ánh sáng, đó là chủ đề cùa chương cuối của tập sách này.

Có hai điểm tinh tế trong nguyên lí thời gian tối thiểu. Thứ nhất, đường đi đó không phải là đường nhanh nhất trong mọi đường đi có thể có; nó chỉ cần nhanh hơn bất kì đường đi nào khác chút xíu với nó mà thôi. Trong hình p, chẳng hạn, ánh sáng có thể đi từ A đến B hoặc qua đường đi phản xạ AQB, hoặc đơn giản là đi thẳng từ A đến B. Mặc dù AQB không phải là đường đi ngắn nhất có thể có, nhưng nó không thể ngắn hơn nữa bằng cách thay đổi nó một lượng rất nhỏ, tức là bằng cách di chuyển điểm Q sang trái hoặc sang phải một chút. Mặt khác, đường đi APB là không thể trên phương diện vật lí, vì người ta có thể thay đổi nó bằng cách dời điểm B sang phải một chút.

Benjamin Crowell: Quang học Ben5-1q

q/ Ánh sáng phát ra từ tâm của một cái gương hình elip. Có bốn đường đi có khả năng xảy ra trên phương diện vật lí trong đó tia sáng có thể bị phản xạ và quay trở lại tâm.

Gọi đây là nguyên lí thời gian tối thiểu thì chưa thích hợp cho lắm. Thí dụ, trong hình q, bốn đường đi có khả năng trên phương diện vật lí theo đó ánh sáng có thể quay trở lại tâm gồm hai đường đi thời gian ngắn nhất và hai đường đi thời gian dài nhất. Nói ngắn gọn, chúng ta nên dùng từ nguyên lí thời gian ngắn nhất hoặc thời gian dài nhất, nhưng đa số các nhà vật lí ưa chuộng cái đẹp nhất, và giả sử rằng các nhà vật lí khác đều hiểu cái ngắn nhất và cái dài nhất đều là có thể.

Quang học
Benjamin Crowell
Trần Nghiêm dịch

Trần Nghiêm

Thư Viện Vật Lý
Về Đầu Trang Go down
https://melody.forum-viet.com
Administrator
Administrator
Administrator
Administrator

Pet Shop Vào Cửa Hàng Pet
Posts : 960
Points : 43040
Thanked : 22
Ngày tham gia : 28/07/2011

Benjamin Crowell: Quang học Empty
Bài gửiTiêu đề: Phần 6   Benjamin Crowell: Quang học Icon_minitimeAugust 20th 2011, 13:17

Tóm tắt chương 1

Từ khóa chọn lọc


Benjamin Crowell: Quang học 1313820703381755836_574_0
Benjamin Crowell: Quang học 13138207021568557095_574_0

Tóm tắt

Chúng ta có thể hiểu những hiện tượng liên quan đến ánh sáng mà không phải sử dụng những mô hình phức tạp như mô hình sóng hoặc mô hình hạt ánh sáng. Thay vào đó, chúng ta mô tả ánh sáng theo đường đi của nó, cái chúng ta gọi là tia sáng. Mô hình tia sáng có ích khi ánh sáng đang tương tác với những đối tượng vật chất lớn hơn nhiều so với bước sóng ánh sáng. Vì một bước sóng của ánh sáng nhìn thấy là quá nhỏ so với kích cỡ những vật mà ta hay gặp, nên mô hình tia sáng có ích trong nhiều trường hợp thực tế.

Chúng ta nhìn thấy vạn vật vì ánh sáng đi từ chúng vào mắt của chúng ta. Những vật phát sáng có thể gửi ánh sáng trực tiếp đến mắt chúng ta, nhưng chúng ta còn thấy những vật không tự phát sáng qua ánh sáng từ một nguồn khác bị vật đó phản xạ.

Nhiều tương tác của ánh sáng và vật chất có thể hiểu bằng cách xem xét cái xảy ra khi ánh sáng đi tới ranh giới giữa hai chất khác nhau. Trong tình huống này, một phần ánh sáng bị phản xạ (dội trở lại) và một phần đi vào môi trường mới. Điều này không có gì bất ngờ - nó là hành trạng tiêu biểu đối với sóng, và ánh sáng là sóng. Năng lượng ánh sáng còn có thể bị vật chất hấp thụ, tức là biến đổi thành nhiệt.

Một bề mặt nhẵn tạo ra sự phản xạ phản chiếu, trong đó tia phản xạ đi ra với góc hợp với pháp tuyến bằng với góc của tia tới hợp với pháp tuyến. Một bề mặt gồ ghề mang lại sự phản xạ khuếch tán, trong đó một tia sáng bị chia thành nhiều tia phản xạ yếu hơn tỏa ra theo nhiều hướng.

Bài tập

  1. Vẽ một sơ đồ tia sáng thể hiện tại sao một nguồn phát sáng nhỏ (thí dụ một ngọn nến) tạo ra cái bóng sắc nét hơn một nguồn phát sáng lớn hơn (thí dụ đèn ống dài huỳnh quang).


  1. Máy thu định vị toàn cầu (GPS) là một dụng cụ cho bạn biết bạn đang ở đâu bằng cách thu tín hiệu vô tuyến định giờ từ vệ tinh. Nó hoạt động bằng cách đo thời gian truyền tín hiệu, liên quan đến khoảng cách giữa bạn và vệ tinh. Bằng cách tìm vùng với một vài vệ tinh khác nhau theo kiểu này, nó có thể cho bạn biết vị trí của bạn trong không gian ba chiều với sai số chỉ vài mét. Phép đo độ trễ thời gian đó phải chính xác như thế nào để xác định vị trí của bạn theo kiểu chính xác như vậy?

  1. Hãy ước tính tần số của một sóng vô tuyến có bước sóng bằng với kích cỡ của một nguyên tử (khoảng một nm). Xem lại phần bài học điện và từ của bạn, một sóng như vậy sẽ nằm trong vùng nào của phổ điện từ (tia hồng ngoại, tia gamma...)?

  1. Máy bay ném bom Stealth được thiết kế với những bề mặt nhẵn, phẳng. Tại sao bề mặt như vậy khiến nó khó bị radar phát hiện?

  1. Hình ở trang sau thể hiện một cái gương cong (parabol) với ba tia sáng song song đi về phía nó. Một tia đi tới dọc theo trục chính của gương. (a) Hãy vẽ chính xác, và tiếp tục vẽ các tia sáng cho đến khi chúng chịu sự phản xạ thứ hai. Để vẽ thật chính xác, bạn nên photocopy trang in và vẽ pháp tuyến tại mỗi điểm nơi tia sáng bị phản xạ. Bạn có để ý thấy gì không? (b) Hãy nêu một thí dụ của một ứng dụng thực tế cho dụng cụ này. (c) Bạn có thể sử dụng cái gương này như thế nào với một bóng đèn nhỏ để tạo ra một chùm tia sáng song song truyền sang bên phải?

  1. Cư dân của hành tinh Wumpus chơi bi-a bằng những tia sáng trên một cái bàn 11 cạnh với những cái gương làm thành phản xạ, như thể hiện trên hình ở trang sau. Hãy vẽ chính xác đường cơ với một cái thước để làm sáng tỏ thông tin tiềm ẩn. Để vẽ chính xác, bạn nên photocopy trang in và vẽ pháp tuyến tại mỗi nơi tia sáng đi tới thành bàn.


Benjamin Crowell: Quang học Ben5-bai5_6

Quang học
Benjamin Crowell
Trần Nghiêm dịch
Trần Nghiêm

Thư Viện Vật Lý
Về Đầu Trang Go down
https://melody.forum-viet.com
Sponsored content




Benjamin Crowell: Quang học Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Benjamin Crowell: Quang học   Benjamin Crowell: Quang học Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 

Benjamin Crowell: Quang học

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 Similar topics

-
» Benjamin Crowell: Quang học
» Những quầng sáng trên bầu trời
» Thú vị bánh gật gù ở Quảng Ninh
» [Truyện Cổ Tích] - Cô bé quàng khăn đỏ
» Tạm Biệt - Quang Vinh [Tặng myFriend]

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Chia Sẻ Nội Bộ Melody Team :: Góc Học Tập :: Giáo Trình - Lý Thuyết :: Giáo Trình :: Khoa Học Tự Nhiên :: Vật Lý-