Theo liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA), Việt Nam đã giảm nạn vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) từ mức 90% trong năm 2005 xuống còn 88% trong năm 2006, không còn là nước có mức vi phạm cao nhất thế giới.
Mặc dù vậy, tại hội thảo về bảo hộ BQPM ngày 28/1/2008 ở Hà Nội, ông Tarun Sawney, giám đốc bộ phận chống vi phạm BQPM của BSA châu Á cho rằng, việc xử lý các vụ vi phạm BQPM ở Việt Nam còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm.
Theo ông Tarun, nếu việc vi phạm BQPM không bị xử lý bằng các hình phạt hình sự thì các chủ sở hữu bản quyền chỉ biết dựa vào các chế tài dân sự. Nhưng bản thân các biện pháp dân sự thường không có hiệu quả trong việc ngăn chặn tái diễn vi phạm. Ví dụ, trong một số vụ gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam vi phạm BQPM chỉ phải chịu mức phạt tối đa là 1.500 USD (khoảng 20 triệu đồng). Mức phạt đó khiến các DN không muốn sử dụng phần mềm hợp pháp vì sử dụng phần mềm sao chép lậu có lợi hơn.
Trong hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) cũng có một số điều về việc xử lý hình sự đối với các vi phạm BQPM, như điều 41, 61. Ông Tarun cho rằng ý nghĩa và sức nặng của các hình phạt hình sự là điều thiết yếu để răn đe, ngăn ngừa những người sử dụng cuối cùng vi phạm BQPM. Ông cũng cung cấp một số thông tin về việc người dùng cuối vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) bị coi là tội phạm hình sự ở các nước Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Mexico, châu Âu…
Tuy nhiên, ông Vũ Mạnh Chu, cục trưởng cục Bản Quyền Tác Giả Văn Học Nghệ Thuật cho rằng, luật SHTT của Việt Nam cũng đã đưa ra mức phạt hợp lý. Theo đó, đối tượng vi phạm ngoài bị xử phạt hành chính tối đa bằng 5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã phát hiện được, còn phải bồi thường thiệt hại về tinh thần (tối đa đến 50 triệu đồng), và phải bồi thường tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT (nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất). Mức phạt mà ông Tarun đề cập mới chỉ là xử phạt vi phạm hành chính, chưa phải mức mà doanh nghiệp vi phạm phải bồi thường.
Ngoài ra, trong luật SHTT cũng quy định những trường hợp vi phạm bản quyền cần xử lý theo bộ Luật Hình Sự. Ông Chu mong muốn trong thời gian tới sẽ phối hợp với ngành tòa án để xử lý hình sự một số vụ vi phạm bản quyền nghiêm trọng.