TT - Trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, tôi thường gặp rất nhiều thắc mắc xoay quanh mối liên hệ giữa nghề nghiệp và tính cách.Đại loại như: “Nhiều thông tin cho biết muốn chọn nghề phải căn cứ vào sở thích. Nhưng em đã thấy nhiều anh chị đi trước phải đổi nghề sau khi tốt nghiệp chính nghề đó, vì họ không còn thích nghề đó nữa. Vậy là sao?” và “Dù tôi nóng tính hay lạnh lùng, hướng ngoại hay hướng nội... miễn tôi thích nghề đó và lại có bằng cấp, tay nghề, kiến thức, vậy tại sao tôi chưa đủ tự tin để chọn nghề đó được?”.
Bạn chỉ có thể vững tin khi cả năng lực và tính cách của bạn đều xứng đáng để cho bạn tự tin. Lòng tự tin (từ sở thích cảm tính) có thể thôi thúc bạn khi chọn nghề. Nhưng khi học nghề và nhất là khi hành nghề sau này, lòng tự tin không còn phụ thuộc vào sở thích như trước. Khi đó, nó phụ thuộc vào năng lực và đặc biệt phụ thuộc vào tính cách của bạn. Sở thích chỉ tạm thời, dễ thay đổi tùy hứng. Còn tính cách thì hầu như khó đổi, thậm chí “khó dời hơn cả núi sông”.
Nhiều bạn trẻ chỉ chăm chú theo sở thích cảm tính mà chọn nghề nên đã bị “dội” khi học nghề và hành nghề, rồi phải lo đổi nghề sau nhiều năm mất công mất của để theo học. Khi đối mặt với nghề, chạm vào những thử thách khắc nghiệt của nghề, họ không những bị hẫng hụt do sở thích tiêu tan, còn bị “dội” do tính cách không hợp với đòi hỏi của nghề đó. Đó cũng là lúc họ không còn tự tin, càng không đủ tạo niềm tin nơi tuyển dụng dù họ có đầy năng lực và bằng cấp.
Người ta chỉ muốn tiếp nhận và giao việc cho bạn khi tính cách của bạn có đủ “chỉ số niềm tin” cho nghề đó (bên cạnh chỉ số thông minh IQ và chỉ số cảm xúc EQ). Đòi hỏi niềm tin ở đây không phải từ bạn mà từ nghề nghiệp, nhất là từ người tiếp nhận bạn (nhà chuyên môn, người tuyển dụng). Họ muốn biết tính cách của bạn có phù hợp với đòi hỏi của nghề hay không.
Dân gian có câu “Chọn mặt gửi vàng” hoặc “Không giao trứng cho ác” cũng với ý nghĩa thâm sâu đó. Nếu biết bạn là người ưa cẩn thận, trọng chữ tín, người ta mới giao việc lớn cho bạn. Còn nếu biết bạn chỉ ưa hình thức mà không trọng thực chất, người ta chẳng những không giao việc lớn mà còn “canh chừng” bạn trong từng việc nhỏ. Bởi thế, sớm muộn bạn cũng bị cơ chế của nghề nghiệp ấy gạt ra vì tính cách của bạn không phù hợp với đặc trưng của nghề.
Chính vì thế, khi trắc nghiệm hướng nghiệp, nhà chuyên môn không chỉ trắc nghiệm năng lực, còn trắc nghiệm cả tính cách của bạn. Nếu xét thấy bạn ưa nóng tính, dễ bức xúc chẳng hạn, lại muốn chọn ngành ngoại giao hay nghề dạy học, nhà chuyên môn sẽ khuyên bạn nên đổi hướng, rẽ sang ngành khác hi vọng phù hợp hơn.
Ngược lại, nếu thấy có đủ năng lực mà lại điềm tĩnh, mẫn tiệp, biết tự kiềm chế cao, người ta sẽ khuyên bạn cứ yên tâm chọn ngành quan hệ quốc tế hay nghề dạy học.
QUANG DƯƠNG (nhà tư vấn hướng nghiệp)
Báo Tuổi Trẻ