Hào quang linh hiển trên tượng Phật, “rồng” và “phượng” trong mây, vật thể bay tạo thành quầng sáng… là những hiện tượng lạ xuất hiện trên bầu trời Việt Nam.
Hào quang linh hiển trên tượng PhậtTrong các ngày 15, 18/9/2008 và ngày 18/4/2010, tại Đà Nẵng đã xuất hiện tượng mặt trời tỏa ánh hào quang lạ, tạo thành quầng sáng bao quanh.
Nhiều bức ảnh chụp hiện tượng này tại tượng Phật Quan Thế Âm, chùa Linh Ứng, Đà Nẵng đã được công bố trên mạng. Hiện tượng “hào quang” đã khiến dư luận xôn xao, thậm chí làm nảy sinh những tin đồn mê tín dị đoan.
Hiện tượng tương tự cũng xảy ra tại Vũng Tàu vào ngày 7/10/2009, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân.
"Quầng" mặt trời xuất hiện ở Vũng Tàu. Ảnh: Li Wen Sheng.
Mấy hôm trước ở An Giang cũng đã xuất hiện tương tự
Theo ông Lê Huy Minh, viện phó Viện Vật lý địa cầu đã cho biết, đây là hiện tượng tự nhiên rất hiếm gặp ở Việt Nam và hiếm khi quan sát được. Hiện tượng này thường được gọi là “quầng”.
Hiện tượng quầng thường xuất hiện vào ban ngày (quầng mặt trời) hoặc ban đêm (quầng mặt trăng) trong mùa hạ và mùa thu hằng năm. Bản chất của quầng mặt trời và quầng mặt trăng là tương tự nhau.
Hiện tượng này được tạo ra khi ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng khi đi qua các tinh thể băng bị khúc xạ hay phản xạ sinh ra những vòng tròn. Thông thường quầng mặt trời có 7 màu rực rỡ do ánh sáng bị tán sắc, còn quầng mặt trăng chị có màu trắng do ánh sáng yếu.
Theo kinh nghiệm dân gian, quầng xuất hiện là dấu hiệu báo trước một thời kỳ không mưa kéo dài sẽ diễn ra, có thể gây thiếu nước, hạn hán ở địa phương.
Mây vảy rồngSau một trận mưa vào chiều ngày 20/8/2009, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện một hiện tượng kỳ thú: tầng tầng lớp lớp mây hình vảy rồng. Hiện tượng này diễn ra vào khoảng 18h, kéo dài trong vòng 40 phút sau cơn mưa.
Trước cảnh tượng kỳ thú trên, không ít người liên tưởng tới sự kiện rời đô của vua Lý Thái Tổ vào năm 1010. Theo câu chuyện, đức vua đã nhìn thấy rồng bay trên thành Đại La nên đổi tên thành thành Thăng Long, kinh đô mới của Đại Việt.
Mây vẩy rồng ở Hà Nội. Ảnh: Đức Long.
Ông Trần Văn Sáp, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Quốc gia cho biết: "Hiện tượng trên không có gì đặc biệt và không liên quan đến các diễn biến khí tượng lớn. Tuy nhiên, tần suất lặp lại của các đám mây rất thấp nên hiện tượng trên có thể coi là hiếm có".
Ông Sáp khẳng định, các đám mây đó là mây mammatus, hay còn gọi nôm na là "mây vú". Tại Việt Nam, dân gian gọi là "mây vảy rồng".
Mammatus là một thuật ngữ khí tượng học áp dụng cho hiện tượng những khoang mây treo thành từng lớp dày phía dưới một đám mây khác. Đây là hiện tượng khí tượng bình thường. Trong catalogue quốc tế về mây có mô tả về loại mây mammatus. Đồng thời, tại Việt Nam đã nhiều lần ghi nhận sự xuất hiện của những đám mây loại này.
Theo Peter Gibbs, nhà khí tượng học của BBC, điều kiện đầu tiên hình thành nên những đám mây mammatus là một cơn giông đi kèm với mưa lớn và sấm sét. Tuy nhiên, những đám mây mammatus này vô hại bởi sự xuất hiện của nó thường là khi giai đoạn tồi tệ nhất của các cơn giông đi qua.
Mây phượng hoàngChiều ngày 7/9/2010, một đám mây kỳ lạ đã xuất hiện trong cái nóng oi ả của tiết trời Hà Nội. Hình thù của đám mây không có gì khác thường, nhưng phía trên đám mây có những vệt như vết dầu loang với 7 sắc cầu vồng rực rỡ.
Mây lạ đã làm nhiều người ở Hà Nội ngạc nhiên và bàn tán xôn xao. Một số người cho rằng mây có hình đứa bé, người thì lại bảo mây giống như cánh phượng hoàng. Thậm chí có người còn cho rằng đây là điềm báo tốt lành cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Mây "phượng hoàng" ở Hà Nội. Ảnh: Mar (Xóm nhiếp ảnh).
Theo anh Lê Ngọc Linh, một nhà thiên văn nghiệp dư ở Hà Nội, hiện tượng “mây lạ” này chính là mây ngũ sắc. Đây là một hiện tượng quang học bình thường dù khá hiếm gặp trong tự nhiên. Thời xưa, theo quan niệm dân gian hiện tượng mây ngũ sắc xuất hiện là điềm báo Quốc Thái Dân An. Những người nào nhìn thấy mây ngũ sắc sẽ gặp nhiều may mắn.
Ngày nay, khoa học lý giải mây ngũ sắc được tạo ra nhờ hiện tượng nhiễu xạ. Khi được mặt trời chiếu sáng, các giọt nước nhỏ hoặc các tinh thể nước đá nhỏ trong các đám mây tán xạ ánh sáng trắng, còn các tinh thể nước đá lớn tạo quầng quang với những sắc màu như cầu vồng.
Hiện tượng mây ngũ sắc tương tự như hiện tượng cầu vồng. Tuy nhiên với cầu vồng cần đến một trận mưa và ánh sáng mặt trời, còn mây ngũ sắc chỉ cần những góc nhìn thích hợp giữa mây và mặt trời là ta có thể nhìn thấy.
UFO phát sáng trên trời Hà NộiVào hồi 5h - 5h30 chiều 28/102010, anh Nguyễn Xuân Vũ (Hà Nội) đã quay được hình ảnh một vật thể bay tạo thành một vệt sáng trên bầu trời tựa như một vật thể bị cháy khi từ ngoài không gian bay xuyên qua bầu khí quyển của trái đất.
Vật thể lạ phát sáng trên bầu trời Hà Nội. Ảnh: VnExpress.
Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam khẳng định, "vật thể lạ" nói trên chính là một chiếc máy bay dân dụng.
Theo giải thích của ông Phường, do thời điểm xảy ra vào khoảng 5 giờ chiều, đầu đông (trời tối nhanh) nên chỉ những vị trí trên cao mới tiếp tục nhận được ánh sáng mặt trời, trong khi đó những nơi thấp như trên mặt đất hầu như không còn ánh nắng. Máy bay chở khách thường bay ở độ cao khoảng 10 km, luồng hơi do máy bay tạo ra tiếp tục nhận được ánh sáng mặt trời, tán xạ và phản xạ nên chúng ta nhìn rất rõ, đặc biệt là lúc hoàng hôn.
Cũng theo ông Phường, nếu máy bay bay vào giữa trưa thì sẽ để lại vệt có màu trắng như mây. Còn tại thời điểm hoàng hôn hay bình minh mắt thường sẽ thấy màu vàng, hoặc da cam.
Vệt hơi máy bay được giải phóng ra từ phần động cơ (chứ không phải là khói). Luồng hơi này có nhiệt độ cao hơn môi trường xung quanh vì máy bay thường bay ở độ cao khoảng 8-13km, nơi nhiệt độ có thể xuống đến âm 55 độ C. "Luồng hơi ấm hơn sẽ bị kết tinh, đóng băng và theo quán tính máy bay đang chuyển động sẽ tạo thành vệt trên", ông Phường cho biết.
UFO ở TP HCMĐầu năm 2009, anh Huỳnh Văn Chương, phường 16, quận Gò Vấp, TP HCM, cho biết đã quay được đoạn phim dài khoảng 10 phút về vật thể bay không xác định (UFO) vào tối. Theo lời kể của anh Chương, thời điểm mà anh nhìn thấy UFO là 21h45 ngày 7/1, lúc đó, anh Chương đang đứng hóng mát tại ban công của gia đình.
“Đầu tiên khi trông thấy đốm sáng lập lòe trên bầu trời tôi tưởng đó là một ngôi sao, nhưng nhìn kỹ lại thì không phải. Thấy là lạ, tôi liền quay vào phòng, lấy máy quay và quay lại hình ảnh tôi vừa nhìn thấy”, anh Chương kể lại.
Vật thể mà anh Chương cho là UFO.
“Zoom” vật thể đó lại gần mắt bằng ống kính của máy quay phim tôi thấy lúc thì nó là một đốm sáng lập lòe, lúc thì trông giống như quả cầu lửa đang di chuyển trên bầu trời. Có lẽ vì chúng ở quá xa nên tôi không nghe thấy bất kỳ tiếng động nào phát ra”, anh Chương cho biết thêm.
Đoạn phim mà anh Chương quay được dài khoảng 10 phút đồng hồ, ghi lại hình ảnh của “vật thể lạ” tương đối rõ nét. Theo lời của anh Chương thì bầu trời lúc đó không có một ngôi sao nào ngoại trừ đốm sáng lập lòe đang chuyển động ấy.
Anh Chương nói: “Đốm sáng đó xuất hiện và di chuyển mỗi lúc một nhanh, sau khoảng 10 phút chúng liền vụt biến mất. Và trong lúc tôi nhìn thấy “vật thể lạ” nói trên thì trời đã tối, nên không biết ngoài tôi và bà xã liệu còn có ai nhìn thấy hay không”.
Theo các chuyên gia, trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp nhầm lẫn khi quan sát các vật thể bay rồi ngộ nhận là UFO. Trong thực tế, đó có thể là khí cầu (khí tượng hay du lịch); máy bay quân sự; ánh đèn nhấp nháy của máy bay thông dụng khi hạ cánh; diều; pháo hoa; trò đùa cố ý.
Hoặc, cũng có khi các “vật thể bay” đó là do ánh sáng từ mặt Trăng; sao băng ở gần hoặc có kích thước lớn; các ngôi sao và hành tinh; điều kiện thời tiết bất thường; bầy chim; đàn côn trùng; sét hòn; cực quang...
“Hoàng long vân giáng”Tương truyền, ngày trước, vua Lý Công Uẩn trong lúc đi thuyền từ Hoa Lư ra thành Đại La đã nhìn thấy rồng vàng bay lên trời. Biết đó là điềm lành, vị vua đầu tiên của nhà Lý đã đặt tên cho Hà Nội ngày nay là Thăng Long (rồng bay lên).
Gần 1.000 năm sau, cũng chính tại quê hương của Lý Công Uẩn, vào một ngày trọng đại, “rồng vàng” lại xuất hiện và khoảnh khắc ấy đã được thu vào ống kính máy của ông Nguyễn Đức Thìn.
Sáng sớm ngày 1/9/1998, người dân đền Đô chuẩn bị cho lễ rước kiệu về Hà Nội phục vụ chương trình chào mừng thành phố Sài Gòn tròn 300 năm tuổi. Ông Thìn mang chiếc máy ảnh cố len lên chỉ định để ghi lại khoảnh khắc trang nghiêm nhất của buổi lễ.
Bức ảnh “Hoàng long vân giáng”.
Bất ngờ, bầu trời xuất hiện mảng sáng vàng rực. Mọi người ngước lên và bàng hoàng nhận ra một đám mây màu vàng hình con rồng bay từ hướng Hà Nội về. Không bỏ lỡ cơ hội hiếm có, ông giương ống kính ở chế độ vô cực, tốc độ 30, độ mở 4 và bấm liên tục. Bức ảnh “Hoàng long vân giáng” đã được ra đời như thế.
"Bát đế hiển linh"Bên cạnh “Hoàng long vân giáng”, “Bát đế hiển linh” cũng là một tác phẩm để đời mà ông Thìn chụp được cũng vào một ngày lễ trọng đại. Ngày 26/8/1998 (tức ngày 5/7 năm Mậu Dần) là ngày giỗ của vua Lý Anh Tông, vị vua thứ 6 nhà Lý. Ông Thìn có nhiệm vụ chụp ảnh tư liệu về buổi lễ nên kè kè chiếc máy ảnh bên mình.
Bức ảnh “Bát đế hiển linh”.
“Hơn 8 giờ sáng, trời quang mây tạnh, chiêng trống nổi lên, cờ xí bay phấp phới, bất giác tôi ngước mắt lên trời. Ngay phía trên đỉnh Thọ Lăng Thiên Đức xuất hiện 11 áng mây, trong giây lát, 3 áng mây tự động tan biến, chỉ để lại 8 áng mây đứng song hành với nhau trên nền trời xanh thẫm. Lúc đó theo bản năng, tôi giơ máy lên bấm lia lịa”- Ông Thìn kể lại.
Giờ đây, khách đến thăm đền Đô đều có thể ngắm nhìn bức “Bát đế hiển linh” và “Hoàng long vân giáng” được phóng to treo trong phòng trưng bày và nghe chính tác giả kể về việc chụp hai bức ảnh lạ lùng này.
Theo Đất Việt