Dự báo thế kỉ tiếp theo
Dự báo vài năm sắp tới, chứ chưa nói dự báo cả một thế kỉ thuộc về tương lai, là một công việc không dễ nuốt. Nhưng đó là cái thách thức chúng ta mơ tới những công nghệ chúng ta tin rằng một ngày nào đó sẽ làm thay đổi vận mệnh của loài người.
Vào năm 1863, nhà tiểu thuyết lớn Jules Verne đã thực hiện dự án có lẽ là nhiều tham vọng nhất của ông. Ông đã viết một quyển tiểu thuyết tiên tri, tựa đề là Paris vào thế kỉ 20, trong đó ông vận động toàn bộ sức mạnh tài năng của ông để dự báo thế kỉ sắp tới. Thật không may, bản thảo đó đã bị thất lạc trong sự hỗn độn của thời gian, cho đến khi người cháu chút chít của ông tình cờ tìm thấy nó nằm an toàn ở nơi cất giữ thận trọng trong gần 130 năm trời. Nhận thấy mình đã tìm ra một kho báu, người cháu đã sắp xếp cho quyển sách được xuất bản vào năm 1994, và nó trở thành quyển sách bán chạy hàng đầu.
Trở lại năm 1863, các vị vua và hoàng đế vẫn thống trị các đế quốc cổ đại, với những người nông dân bần cùng làm việc quần quật trên những cánh đồng nông nghiệp. Nước Mĩ chìm trong một cuộc nội chiến khốc liệt dường như xé toạc quốc gia này ra, và máy hơi nước chỉ mới bắt đầu làm cách mạng hóa thế giới. Nhưng Verne dự báo Paris vào năm 1960 sẽ có những tòa nhà chọc trời lắp kính, máy điều hòa không khí, ti vi, thang máy, xe lửa cao tốc, xe hơi chạy bằng xăng, máy fax, và thậm chí cái na ná như Internet. Với độ chính xác phi thường, Verne đã mô tả cuộc sống ở Paris hiện đại.
Đây không phải là sự may mắn tình cờ, vì chỉ vài năm sau Verne còn có một dự báo ngoạn mục khác nữa. Vào năm 1865, ông viết quyển Từ Trái đất đến Mặt trăng, trong đó ông dự báo các chi tiết của sứ mệnh đưa các nhà du hành vũ trụ của chúng ta lên mặt trăng hơn 100 năm sau đó, vào năm 1969. Ông dự đoán chính xác kích cỡ của tổ hợp không gian với sai số vài phần trăm, vị trí của trạm phóng ở Florida không xa mũi Canaveral, số nhà du hành trên sứ mệnh đó, quãng thời gian của chuyến hành trình, sự không trọng lượng mà các nhà du hành sẽ cảm nhận, và sự hạ cánh sau cùng xuống đại dương. (Sai sót lớn duy nhất là ông sử dụng thuốc súng, chứ không phải nhiên liệu tên lửa, để đưa các nhà du hành vũ trụ của ông lên mặt trăng. Nhưng tên lửa nhiên liệu lỏng phải 70 năm sau nữa mới phát minh ra).
Làm thế nào Jules Verne có thể dự báo 100 xa về tương lai với độ chính xác khó tin như vậy? Những người viết tiểu sử của ông lưu ý rằng, mặc dù bản thân Verne không phải là một nhà khoa học, nhưng ông liên tục đi tìm các nhà khoa học, chất vấn họ những câu hỏi về cái nhìn tương lai của họ. Ông đã tích lũy một kho tài nguyên khổng lồ tóm tắt những khám phá khoa học lớn của thời đại của ông. Verne nhận ra rằng khoa học là động cơ làm lay chuyển các nền tảng của nền văn minh, đưa nó vào một thế kỉ mới với những kì công và kì tích bất ngờ. Chìa khóa cho tầm nhìn và sự sáng suốt uyên thâm của Verne là ông nắm vững sức mạnh làm cách mạng hóa xã hội của khoa học.
Một nhà tiên tri lớn nữa của công nghệ là Leonardo da Vinci, họa sĩ, nhà tư tưởng, người nhìn xa trông rộng. Vào cuối thế kỉ 15, ông đã vẽ những sơ đồ đẹp đẽ, chính xác của những máy móc một ngày nào đó sẽ bay rợp bầu trời: những bản phác thảo nhảy dù, trực thăng, tàu lượn, và cả máy bay. Đáng chú ý, nhiều phát minh của ông sẽ bay. (Tuy nhiên, máy bay của ông cần thêm một thành phần nữa: một động cơ ít nhất là một sức ngựa, cái phải chờ thêm 400 năm nữa).
Cái cũng bất ngờ không kém là Leonardo đã phác thảo bản thiết kế cho một máy cơ làm toán cộng, cái có lẽ đi trước 150 năm so với thời đại của nó. Vào năm 1967, một bản thảo để không đúng chỗ đã được phân tích lại, làm rõ ý tưởng của ông về một máy làm toán cộng với mười ba bánh xe số. Nếu người ta quay một tay quay, thì những bánh răng bên trong quay liên tiếp thực hiện những phép tính số học (Cỗ máy đã được chế tạo vào năm 1968 và nó hoạt động được).
Ngoài ra, vào thập niên 1950, một bản thảo khác đã được làm rõ có chứa một bản phác thảo cho một chiến binh người máy, mặc áo giáp kiểu German-Italy, có thể ngồi và cử động cánh tay, cổ và quai hàm. Sau đó, nó cũng được chế tạo và nhận thấy là hoạt động.
Giống như Jules Verne, Leonardo có thể nhìn xa về tương lai bằng cách tham khảo rất nhiều cá nhân lỗi lạc của thời đại của ông. Ông là một phần của một vòng tròn nhỏ gồm những người ở tại tiền tuyến của sự đổi mới. Ngoài ra, Leonardo luôn luôn làm thực nghiệm, xây dựng, và phác thảo các mô hình, một thuộc tính chủ chốt của những ai muốn biến suy nghĩ thành hiện thực.
Đã thấy tầm nhìn xa rộng rất mực của Verne và Leonardo da Vinci, chúng ta tự hỏi: Có thể nào dự báo thế giới của năm 2100 không? Theo truyền thống của Verne và Leonardo, quyển sách này sẽ khảo sát chặt chẽ công trình của những nhà khoa học hàng đầu đang xây dựng những nguyên mẫu của những công nghệ sẽ làm thay đổi tương lai của chúng ta. Quyển sách này không phải là một tác phẩm viễn tưởng, một sản phẩm của một sức tưởng tượng quá khích của một nhà biên kịch Hollywood, mà nó được xây dựng trên một nền tảng khoa học vững chắc đã được triển khai trong những phòng thí nghiệm lớn trên khắp thế giới ngày nay.
Nguyên mẫu của tất cả những công nghệ này đã có rồi. Như
William Gibson, tác giả của
Neuromancer, người đặt ra cái từ
cyberspace [không gian điều khiển], từng nói, “Tương lai đã sẵn nơi đây. Nó chỉ phân bổ không đều mà thôi”.
Dự báo thế giới năm 2100 là một nhiệm vụ khó khăn, vì chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên chuyển biến khoa học rõ rệt, trong đó nhịp độ khám phá luôn luôn tăng tốc. Nhiều kiến thức khoa học tích lũy chỉ trong vài thập niên vừa qua đã nhiều hơn kiến thức của toàn bộ lịch sử loài người. Và vào năm 2100, kiến thức khoa học này sẽ lại tăng lên gấp nhiều lần.
Nhưng có lẽ cách tốt nhất để nắm lấy tầm cỡ dự báo 100 năm tới trong tương lai là hãy nhắc lại thế giới năm 1900 và nhớ lại cuộc sống mà ông bà của chúng ta đã trải qua.
Nhà báo Mark Sullivan yêu cầu chúng ta hãy tưởng tượng một người nào đó đang đọc một tờ báo vào năm 1900:
- Trích dẫn :
- Trên tờ báo của ông ngày 1 tháng 1 năm 1900, người Mĩ đó không tìm thấy từ nào như radio, vì hai mươi năm sau nữa nó mới xuất hiện; ông cũng không tìm thấy từ “phim ảnh” vì nó chủ yếu thuộc về tương lai; cũng không có tài xế, vì xe ô tô chỉ mới xuất hiện và còn được gọi là “tàu hàng không ngựa kéo…” Cũng không có từ nào như phi công. Người nông dân không nghe nói tới máy kéo, cũng không có chủ nhà băng của Hệ thống Dự trữ Liên bang. Thương gia không nghe nói tới chuỗi cửa hàng hay “cửa hàng tự phục vụ”; người đi biển không biết tới động cơ đốt dầu… Những đàn bò có thể vẫn đi lại trên những con đường quê… Ngựa hoặc lừa chở hàng trên thực tế là phổ biến. Người thợ rèn làm việc dưới tán cây hạt dẻ là một thực tế.
Để hiểu cái khó của việc dự báo 100 năm tiếp theo, chúng ta phải đánh giá đúng cái khó của con người năm 1900 ở việc dự báo thế giới năm 2000. Vào năm 1893, là một phần của Triễn lãm Columbia thế giới ở Chicago, 74 cá nhân xuất sắc đã được yêu cầu dự báo cuộc sống sẽ trông như thế nào vào 100 năm sau. Một vấn đề là họ trước sau đánh giá thấp tốc độ phát triển của khoa học. Ví dụ, nhiều người dự báo chính xác rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ có những phi thuyền thương mại xuyên đại dương, nhưng họ nghĩ chúng sẽ là khí cầu. Thượng nghị sĩ John J. Ingalls nói, “Người công dân sử dụng khí cầu điều khiển làm phương tiện đi lại sẽ là phổ biến”. Họ cũng đều bỏ lỡ sự xuất hiện của xe ô tô. Tổng cục trưởng cục bưu điện John Wanamaker phát biểu rằng thư từ ở Mĩ sẽ được phân phát bằng xe ngựa tuyến và trên lưng ngựa, kể cả 100 năm tương lai.
Sự đánh giá thấp tầm quan trọng của khoa học và đổi mới như thế này còn lan rộng sang sở cấp bằng sáng chế. Năm 1899, Charles H. Duell, ủy viên hội đồng Sở cấp bằng sáng chế Mĩ nói, “Mọi thứ có thể phát minh đã được phát minh rồi”.
Thỉnh thoảng các chuyên gia trong lĩnh vực của họ lại đánh giá thấp cái đang xảy ra ngay bên dưới mũi của họ. Năm 1927, Harry M. Warner, một trong những người sáng lập Warner Brothers, nhận xét trong thời đại phim câm, “Có ma nào thèm nghe diễn viên nói chứ?”
Và Thomas Watson, chủ tịch IBM, phát biểu vào năm 1943, “Tôi nghĩ có một thị trường thế giới chăng là năm máy vi tính”.
Sự đánh giá thấp sức mạnh của khám phá khoa học còn lan cả sang tờ báo danh giá New York Times. (Năm 1903, Times tuyên bố rằng những chiếc máy biết bay chỉ là sự lãng phí thời gian, đúng một tuần trước khi anh em nhà Wrights cho bay thành công chiếc máy bay của họ tại Kitty Hawk, Bắc Carolina. Vào năm 1920, Times chỉ trích nhà khoa học tên lửa Robert Goddard, tuyên bố rằng công trình của ông là vô nghĩa vì tên lửa không thể chuyển động trong chân không. 49 năm sau, khi các nhà du hành Apollo 11 hạ cánh lên mặt trăng, tờ Times chạy dòng đính chính, “Giờ thì đã rõ một tên lửa có thể hoạt động trong chân không. Times lấy làm tiếc đã sai”).
Bài học ở đây là rất nguy hiểm chuyện đặt cược vào tương lai.
Các dự báo cho tương lai, với một vài ngoại lệ, luôn luôn đánh giá thấp tốc độ tiến bộ khoa học. Khi xem lại bộ phim truyền hình thập niên 1960 Star Trek, hẳn bạn để ý thấy phần nhiều “công nghệ thế kỉ 23” này đã có mặt rồi. Trở lại khi ấy, khán giả truyền hình giật mình khi xem điện thoại di động, máy vi tính xách tay, những chiếc máy có thể nói chuyện, và máy đánh chữ có thể kiểm tra lỗi chính tả. Nhưng toàn bộ những công nghệ này ngày nay đã có mặt. Không bao lâu, chúng ta cũng sẽ có các phiên bản của máy phiên dịch đa năng có thể nhanh chóng dịch giữa các ngôn ngữ khi bạn nói, cũng như “tricoder”, máy chẩn đoán bệnh từ xa. (Ngoại trừ động cơ lái cong và máy viễn tải, phần lớn nền khoa học thế kỉ 23 này đã có mặt ở đây.)
Đã thấy cái sai rành rành của những người đánh giá thấp tương lai, vậy làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu đưa ra một cơ sở khoa học vững chắc hơn cho những dự báo của chúng ta?
Michio Kaku - Vật lí học của tương lai
Khoa học sẽ định hình số phận loài người
và cuộc sống hàng ngày của chúng ta như thế nào vào năm 2100
Bản dịch của TVVL